Phòng chống điện giật mùa mưa

Phòng chống điện giật mùa mưa

Đăng bởi: Admin 0 Bình luận

Có thể khắc phục được tai nạn điện khi ngập nước hay không? Làm sao để kiểm tra biết hệ thống điện nhà mình có tiềm ẩn nguy hiểm?

Nguy cơ điện giật

Qua theo dõi báo chí trong nước thời gian gần đây, tôi được biết thông tin về những sự cố đáng tiếc xảy ra trong hệ thống điện dân dụng dẫn đến những cái chết thương tâm của một số người dân. Họ qua đời cùng một nguyên nhân: điện giật. Thực ra vẫn có các biện pháp phòng tránh những rủi ro ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của mỗi người.

Sự cố điện giật được chia làm hai nhóm: điện giật trực tiếp tức bản thân người bị giật tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện đang được sử dụng; điện giật gián tiếp hay còn gọi sự rò rỉ điện tức người bị điện giật tiếp xúc với một môi trường vật chất bị nhiễm điện từ nguồn. Các môi trường vật chất này có thể là nước, kim loại, các dạng vật chất có hệ số dẫn điện cao. 

Dòng điện từ nguồn sẽ đi vào các môi trường này, chạy qua cơ thể người tiếp xúc với một cường độ đủ lớn sẽ gây nên cảm giác "điện giật". Ảnh hưởng do điện giật lên mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường xung quanh, thể trạng mỗi người, vị trí tiếp xúc… 

Những ảnh hưởng này là không tốt cho sức khoẻ và trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến tử vong. Những nơi mà ta thường có nguy cơ tiếp xúc với điện nhất là nhà ở và các văn phòng làm việc, nơi sử dụng nhiều thiết bị điện. Vì vậy, việc quan tâm đến an toàn sử dụng điện trong mỗi trường hợp cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và theo các tiêu chuẩn để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Đối với tiếp xúc điện trực tiếp, nguy cơ tiếp xúc là ở các ổ cắm điện, các dây cáp điện bên trong nhà nhưng không được đặt trong ống bảo vệ hoặc lắp đặt âm tường, do các va chạm bên ngoài, ma sát hoặc nhiều nguyên nhân khác sẽ làm cho dây bị hở, dẫn đến nguy cơ giật điện cao khi tiếp xúc với cơ thể người. 

Để phòng tránh các nguy cơ trên, ta nên sử dụng các ổ cắm điện có nắp đậy, đặt các ổ cắm điện xa tầm tay trẻ em, tắt công tắc điện các ổ cắm khi không sử dụng. Các dây cáp điện trong nhà nên được lắp đặt trong các ống bảo vệ hoặc lắp đặt âm tường. Với các dây nối thiết bị điện với ổ cắm, nên thay dây mới nếu phát hiện dây bị hở, không nên sửa chữa.

Sơ đồ dây cho hệ thống ổ cắm ba chấu có RCD.

Sơ đồ dây cho hệ thống ổ cắm ba chấu có RCD.

Hai cách phòng chống đơn giản

Đối với các tiếp xúc điện gián tiếp, trong điều kiện sử dụng điện bình thường, các thiết bị điện công suất từ vài trăm watt đến vài ngàn watt, có vỏ bọc bên ngoài bằng kim loại hoặc vật liệu khác nhưng được thiết kế không đúng chuẩn sẽ dễ dẫn đến rò rỉ điện khi các thiết bị điện bên trong chạm vào vỏ. 

Các thiết bị thường gặp như bàn ủi, máy lạnh, bình nước nóng, lò vi sóng, máy tính... Khi xảy ra rò rỉ điện trên vỏ thiết bị, sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể người và vỏ sẽ làm xuất hiện dòng điện chạy từ vỏ qua cơ thể người gây nên "điện giật". Để tránh bị điện giật do rò rỉ, ta nên sử dụng các ổ cắm, phích cắm có ba chấu (lần lượt các chấu là pha, trung tính và nối đất) được đấu nối theo đúng quy chuẩn. 

Đồng thời kiểm tra lại các thiết bị ngắt điện (cầu dao, CB) trong nhà có còn phù hợp không. Khi đó, dòng điện rò trên vỏ thiết bị sẽ theo dây điện qua chấu nối đất, cầu dao (CB) sẽ tự động ngắt và các tai nạn rò điện sẽ được hạn chế.

Tuy nhiên, trong môi trường ngập nước, việc sử dụng các ổ cắm có nắp che, hay sử dụng kỹ thuật tiếp đất, đều không thể tránh khỏi điện giật khi cơ thể người tiếp xúc với nước và ở gần nguồn điện bị ngập. 

Những trường hợp này là cực kỳ nguy hiểm đối với sức khoẻ và tính mạng mỗi người do nước là một môi trường dẫn điện rất tốt. Biện pháp được đề nghị là ta phải nhanh chóng ngắt cầu dao điện trong nhà khi thấy ngập nước. 

Song việc thực hiện như vậy mang tính chất thủ công và không phải ai cũng nhớ để thực hiện. Về mặt an toàn kỹ thuật, ta nên lắp đặt thêm các thiết bị phát hiện và ngắt mạch điện tự động khi có dòng rò điện xảy ra. 

Các thiết bị phổ biến này thường có tên gọi là ELCB (Earth Leakage Circuit Breaker), RCCB (Residual Current Circuit Breaker), RCD (Residual current device hay còn gọi cầu dao chống dòng rò). Chúng hoạt động trên nguyên tắc chủ yếu là phát hiện sự chênh lệch giá trị giữa dòng điện đi từ nguồn và dòng điện về hay còn gọi sự rò rỉ điện, khi sự chênh lệch này lớn hơn giá trị quy định của thiết bị, chúng sẽ ngắt nguồn tiêu thụ. 

Đây có thể được xem là phương pháp bảo vệ người sử dụng điện an toàn và hiệu quả nhất trước các dòng điện rò, ngay cả khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể người và nguồn điện, hoặc thiết bị điện.

Ổ cắm và sơ đồ dây cho hệ thống dùng phích cắm ba chấu.

Ổ cắm và sơ đồ dây cho hệ thống dùng phích cắm ba chấu.

Nếu hệ thống điện nhà bạn được lắp đặt dây điện âm tường không vỏ bọc, bạn vẫn có thể lắp các thiết bị ELCB, RCCB, RCD để phát hiện dòng điện rò và ngắt. Tuỳ từng trường hợp khác nhau mà ta có những lựa chọn thiết bị phù hợp. 

Nhưng xin lưu ý với bạn một điều, nếu ổ cắm nhà bạn chỉ có hai chấu hoặc ba chấu nhưng lắp đặt không đúng chuẩn, thì khi xảy ra sự cố rò điện trên vỏ thiết bị, bạn vẫn sẽ có cảm giác bị "điện giật" trong thời gian rất ngắn và ELCB/RCCB/RCD sẽ tác động ngắt điện. Khoảng thời gian này về lý thuyết không gây ảnh hưởng lớn đến cơ thể nhưng trong trường hợp người cao tuổi, trẻ em hoặc người mắc bệnh tim thì vẫn luôn tiềm ẩn nguy hiểm.

Để sử dụng ELCB/RCCB/RCD hiệu quả nhất, bạn nên dùng ổ cắm ba chấu với các dây pha - trung tính - nối đất. Khi đó dòng rò từ pha chạm vỏ sẽ đi xuống đất, và ELCB/RCCB/RCD sẽ phát hiện sự chênh lệch dòng điện giữa dây pha và dây trung tính mà ngắt ngay, không cần phải đợi đến khi có người tiếp xúc. Nối đất - hai chấu và ba chấu

Các kiểu hệ thống nối đất đúng quy chuẩn phổ biến trong điện dân dụng đều thể hiện đầy đủ ba dây pha - trung tính - đất hoặc dây pha - trung tính kết hợp nối đất, từ đó yêu cầu phải sử dụng ổ cắm và phích cắm ba chấu để đảm bảo an toàn. 

Tuy nhiên, giá bán trên thị trường của ổ cắm ba chấu và hai chấu chênh lệch nhau khá nhiều, đồng thời để thực hiện ổ cắm ba chấu, cần lắp đặt thêm một dây nối đất. Chi phí hệ thống sẽ tăng lên, trong khi hệ thống ổ hai chấu vẫn đảm bảo được tối thiểu an toàn nếu được thiết kế tính toán đúng. 

Trên thực tế ở nước ngoài, họ đều sử dụng hệ thống ổ cắm và phích cắm ba chấu, nhưng vẫn có những trường hợp dùng phích cắm hai chấu cho các thiết bị tiêu thụ công suất thấp như sạc pin điện thoại.

Về so sánh giữa ổ cắm điện hai chấu và ba chấu thì sự khác biệt cơ bản là ở khả năng giúp các thiết bị phát hiện và xử lý dòng điện rò hoạt động hiệu quả hơn. Dùng ổ cắm điện ba chấu sẽ đảm bảo an toàn điện cao hơn.

Ổ cắm và sơ đồ dây cho hệ thống dùng phích cắm hai chấu.

Ổ cắm và sơ đồ dây cho hệ thống dùng phích cắm hai chấu.

Việt Nam ta dùng điện hai chấu đã từ lâu, có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như chi phí thiết bị hoặc trên thị trường phần lớn bán các ổ cắm hai chấu hoặc hệ thống dây khi lắp đặt trong nhà không có dây nối đất…

Hệ thống điện như đang sử dụng ở Việt Nam hiện nay phần lớn là ổ cắm hai chấu. Bạn cần lưu ý là không phải chỉ cần mua ổ cắm ba chấu về, là hệ thống điện của bạn được an toàn hơn, thực tế làm như vậy chỉ là giải pháp để tương thích với các phích cắm ba chấu, nhưng không khác gì về an toàn điện so với hai chấu. 

Để chuyển đổi từ một hệ thống điện hai chấu sang ba chấu, bạn cần phải lắp đặt thêm dây, thay ổ cắm, bạn nên làm việc với các công ty tư vấn lắp đặt điện để đảm bảo an toàn và đúng quy chuẩn kỹ thuật điện, việc thay đổi này không ảnh hưởng gì đến lưới điện chung và sẽ giúp hệ thống điện nhà bạn an toàn hơn nhiều.

Ở Pháp, nhà nước cũng chỉ cho hai dây pha - trung tính vào nhà dân, dây còn lại là do nhà dân tự thi công trong quá trình xây dựng và phải tuân theo các tiêu chuẩn an toàn điện. Một lưu ý nữa trong mùa mưa là các dàn nóng của máy lạnh để ngoài trời khi trời mưa có dẫn đến khả năng bị giật hay không còn tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn chống thấm của thiết bị, khả năng là vẫn có.

Để đảm bảo an toàn điện trong các trường hợp, mọi người nên sử dụng hệ thống điện ba chấu đúng quy chuẩn, đồng thời lắp đặt thêm các thiết bị chống dòng rò ELCB/RCCB/RCD ở những khu vực sử dụng cần thiết như máy nước nóng, các ổ cắm, bếp điện…

Theo alobacsi.vn

Tags: aptomat an toàn aptomat chống dòng rò aptomat chống giật at chống dòng rò at chống giật bảo vệ điện giật Hướng dẫn lắp đặt lắp đặt aptomat

Hotline: 0904 586 522